Hướng dẫn cách nhân giống sen đá đơn giản, cho tỉ lệ nảy mầm cao

Sen đá là một trong những loài thực vật rất dễ nhân giống và nếu chúng ta làm đúng cách thì tỉ lệ nảy mầm khoảng 70% đến 90%. Có 2 cách đơn giản nhất đó chính là tách lá và tách cây con. Điều kiện để áp dụng đó là bạn phải chắc chắn rằng cây mẹ khỏe mạnh, cứng cáp, đủ lớn, lá cây dày, thân cứng cáp,… Cây mẹ càng khỏe mạnh và “lâu đời” thì khả năng nhân giống thành công sẽ càng cao.

Cách 1: Nhân giống bằng việc tách lá

Bước 1: Chọn và tách lá

Ở phương pháp này, bạn càng chọn những loại sen đá có lá dày và to thì càng thuận lợi. Bạn có thể lượm những chiếc lá già bị rụng xuống hoặc ngắt chúng từ trên cây mẹ. 

Chú ý bạn nên dùng tay cầm gần vào khoảng ⅔ đến ¾ lá rồi thao tác nhanh gọn dứt khoát để xoay hoặc bứt lá ra. Phải đảm bảo chiếc lá còn nguyên vẹn sau khi bứt bởi nếu bị chúng có vết xước hoặc bị gãy thì gần như không thể nảy mầm (không được sử dụng dao hoặc dụng cụ để cắt vì sẽ làm mất phần cuống lá – nơi lá ra rễ). 

Bước 2: Để khô và giâm lá

Sau khi tách lá, ở phần cuối điểm bứt sẽ là một vết thương chưa khô và vẫn còn nhựa, vì vậy bạn cần để lá ở nơi sạch sẽ thoáng mát đến khi vết đó khô lại để tránh bị vi khuẩn xâm nhập khi giâm. Vết thương có thể khô trong khoảng 1 – 2 ngày tùy vào kích thước của lá. Khi lá đã khô bạn chỉ cần đặt chúng lên bề mặt đất và đợi ngày nảy mầm. Đất giâm cây cần là loại đất tơi xốp, thông thoáng để dễ cây bén rễ. 

Bước 3: Chăm sóc và chuyển cây

Trước khi đặt lá, bạn chỉ cần tưới đẫm nước cho đất (tránh tưới nhiều sẽ gây thừa nước trên bề mặt tiếp xúc với lá -> dễ bị úng) và sau đó chờ chúng bén rễ và lên mầm. Đặt ở vị trí có ánh sáng tự nhiên vừa phải, không nên đặt nơi quá nắng gắt hoặc ẩm ướt, thiếu ánh sáng. Nên hạn chế tưới nước trong thời gian này (chỉ tưới khi thấy bề mặt đất quá khô).

Khi mầm cây đã lớn (tối thiểu đường kính khoảng 2,5 – 3cm) và lá mẹ bắt đầu héo thì bạn có thể chuyển sang trồng chậu. Lưu ý không nên chuyển chậu khi lá mẹ vẫn còn tươi vì khi đó cây con vẫn cần nhận chất dinh dưỡng từ lá mẹ. Hoặc bạn có thể để nguyên lá mẹ mà không cần tách, điều này không ảnh hưởng nhiều đến cây con. Vì đến 1 khoảng thời gian nhất định, khi lá mẹ hết chất dinh dưỡng chúng sẽ tự héo đi. 

Để chuyển từ vị trí giâm sang chậu cần thao tác nhẹ nhàng để tránh cây bị đứt rễ. Bạn chỉ cần nhấc nhẹ nhàng mầm cây ra và rũ bỏ bớt đất (đất khô sẽ dễ dàng hơn trong việc di chuyển và giúp rễ không bị kẹt ở trong đất). Trong trường hợp mầm cây ăn sâu vào đất và khó di chuyển thì bạn có thể xúc cả mầm cây và khoảng đất đó sang chậu mới. Lưu ý khi chuyển mầm cây sang chậu mới bạn cần đảm bảo rễ của chúng được đất phủ kín để đảm bảo cho cây phát triển tốt nhất.

Trong thời gian này, bạn nên để chúng ở vị trí giống như khi giâm lá mẹ để tránh cây non bị sốc nhiệt.

Cách 2: Nhân giống bằng việc tách, cắt cây

Bước 1: Lựa chọn cây mẹ

Cũng giống như cách 1, bạn cần lựa chọn những cây mẹ khỏe mạnh và “lâu đời” một chút. Đặc biệt cách này thường áp dụng đối với những loại sen đá mọc thành bụi và có thân cao, dài. Vì những loại sen đá này lá của chúng thường nhỏ và thường có đốt ở thân nên việc nảy mầm bằng cách tách cắt cây sẽ ưu việt hơn cách 1

Bước 2: Tách/cắt cây

Bạn nên ngắt bỏ bớt lá sát phần gốc để cắt dễ dàng hơn. Tiếp theo cần lựa chọn kéo hoặc dao thật sắc (nên sử dụng dao thì vết cắt sẽ “an toàn” và đẹp hơn) sau đó cắt 1 đường dứt khoát ở thân cây (chú ý không nên cắt quá sát đài cây phía trên). Phần gốc còn lại và phần cây vừa được cắt ra phải còn nguyên vẹn tránh những vết xước, vết thương hở sẽ khiến cây dễ bị “nhiễm trùng”

 

Bước 3: Giâm cây và chăm sóc

Đối với phần cây phía trên: Trước khi vùi đoạn cây vừa cắt được vào đất bạn cần để cho vết cắt khô lại hết sau đó cắm nhẹ xuống đất ẩm để kích thích chúng ra rễ. Cách chăm sóc giống như cách 1

Đối với phần cây phía dưới rễ: Bạn không cần làm gì cả, chỉ cần đợi một vài tuần, ở phần thân này sẽ nảy ra những cây con – thay thế phần cây phía trên mà chúng ta cắt bỏ. Trong thời gian này cần hạn chế tưới nước và để nơi có độ ẩm cao hoặc ánh nắng gay gắt, nên để ở những nơi thoáng gió và mát mẻ.

 

Khi cây còn non bạn cần chú ý đến đất, nhiệt độ xung quanh vì lúc này cây non rất yếu và dễ bị tác động từ môi trường. Tuy nhiên đây là 2 phương pháp này đều cho tỉ lệ nảy mầm rất cao nên bạn không cần quá lo lắng. 

 

Trả lời

0862465789
icons8-exercise-96 chat-active-icon